Giáo sư Phạm Minh Thông: Người vá lỗ hổng mạch máu não
Giáo sư Phạm Minh Thông – nguyên Phó giám đốc BV Bạch Mai là một trong những chuyên gia đầu ngành về điện quang can thiệp, chẩn đoán hình ảnh. Công trình nghiên cứu của GS Thông và cộng sự đã được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.
Người khai sáng kỹ thuật
Trải qua hơn gần 40 năm công tác, làm việc trong lĩnh vực điện quang từ thời kỳ các phương tiện máy móc rất đơn giản gồm các máy chụp X quang, máy tăng sáng truyền hình với điều kiện làm việc hết sức khó khăn và trong môi trường độc hại bởi bức xạ tia X từ năm 1982, với ý chí không quản ngại khó khăn, thầy không ngừng học hỏi, trau rồi ngoại ngữ (Tiếng Pháp, tiếng Anh) để đi du học nhằm tiếp cận những đỉnh cao khoa học về lĩnh vực Điện quang tại Pháp, tại Mỹ. Ông là người Thầy trong lĩnh vực điện quang can thiệp của Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi, GS Thông cho biết khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, ông chọn học nội trú chuyên ngành điện quang can thiệp. Giáo sư Thông cho biết chuyên ngành này lúc đó còn rất mới và nhiều người nghĩ “nhạt”. ngoài ra, có rất nhiều bác sĩ điện quang không dám làm trong lĩnh vực điện quang can thiệp vì lo sợ bị độc hại bởi bức xạ. Từ đó lĩnh vực này phát triển rất hạn chế, tuy nhiên thầy GS.TS.NGND Phạm Minh Thông đã nắm bắt được xu thế chung của thế giới về vai trò của điện quang can thiệp trong chẩn đoán và điều trị từ đó phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi học xong ông về làm tại Bệnh viện Việt Đức và đam mê với chuyên ngành này. Năm 1991 và 1993 giáo sư Thông được cử sang Pháp học và khi về nước năm 1995, ông chuyển từ Bệnh viện Việt Đức về Bệnh viện Bạch Mai. GS Thông tâm sự lúc đó mới có máy móc trang thiết bị rất đớn giản và Việt Nam vẫn chưa có điều trị các bệnh lý thần kinh bằng điện quang can thiệp.
Năm 1999 tại Bệnh viện Bạch Mai mới can thiệp đầu tiên về ung thư gan, mạch ngoại biên nhưng về thần kinh cần phải làm thì chưa làm được. Trong khi đó, GS Thông cho biết ở nước ta bị tai nạn giao thông nhiều, bệnh nhân bị vỡ xoang hang mắt lồi, hỏng mắt, họ rất đau đớn, chất lượng cuộc sống gần như bằng 0.
Thời đó, để xử lý những ca bệnh này, các bác sĩ phẫu thuật chỉ còn biết sử dụng phương bằng phẫu thuật cổ điển từ những năm 1970 mà phương Tây đã bỏ không làm.
Nhớ lại kỹ thuật phẫu thuật, giáo sư Thông kể các bác sĩ lấy thịt tự thân của người bệnh để xử lý. Các bác sĩ thường gọi là phẫu thuật thả thịt, thả cơ từ động mạch. Kỹ thuật này được dùng từ lây nhưng tai biến nhiều vì trong quá trình phẫu thuật làm tắc lỗ rò khó hơn có bệnh nhân tử vong do thả không đúng, thịt trôi đi gây tắc động mạch và tử vong.
Trong thời gian học tại Pháp, ở phương Tây người ta đã áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị bệnh lý xoang hang này bằng can thiệp từ năm 1990, còn ở Việt Nam mổ là lạc hậu.
GS Thông cho biết ông nhìn nhận nền y học thế giới đã phát triển và việc điều trị bằng các kỹ thuật ít xâm lấn. Và việc nút mạch cho bệnh nhân bị bệnh lý xoang hang như này bằng nút mạch là hiệu quả nhất. Theo GS Thông đây là kỹ thuật đưa một ống rất nhỏ, độ 0,5mm, đi theo động mạch đùi lên não, đưa vào trong mạch máu bị vỡ để bít lại.
Từ ca thất bại đầu tiên đến kỹ thuật thường quy
Khi triển khai kỹ thuật lần đầu tiên, GS Thông nhớ ca can thiệp này thất bại. Ngay sau đó, giáo sư Thông đã mời giáo sư Deramond từ Pháp sang Bệnh viện Bạch Mai cùng làm và triển khai kỹ thuật. Sau đó là GS Pierot (bạn của bác sĩ thông) cũng từ Pháp sang chuyển giao kỹ thuật từ năm 1999 rồi đến năm 2000, giáo sư Thông mới làm được kỹ thuật một cách độc lập.
GS Thông vẫn miệt mài làm việc và hướng dẫn nhiều học sinh
Tuy nhiên, giáo sư Thông kể dù làm chủ kỹ thuật nhưng làm ở Việt Nam cũng rất khổ do thiếu thốn. Người ta hướng dẫn thông động mạch xoang hang làm bằng nút coil, còn ở nước ta chưa làm nút bằng bóng, khá thô sơ. Các bác sĩ tự tạo bóng, tự tạo van làm thủ công nhưng kết quả rất thành công.
Với đam mê khai sáng và yêu nghề, giáo sư Thông tâm sự không hiểu vì sao lúc đó ông đam mê như thế. Tối nào cũng 1,2 h sáng mới xong việc để về nhà.
Sau thành công của Bệnh viện Bạch Mai đến năm 2001 – 2002, các bác sĩ đã làm rất nhiều bệnh nhân cả nước chuyển về, các nơi về học.
Đến năm 2004 triển khai các bệnh kỹ về não như phình động mạch não, thông mạch não, chuyển giao, học các kỹ thuật. Suốt những năm 2004, 2005, GS Thông hồi tưởng lúc nào ông cũng ba lô trên vai một mình lên đường vào đó chuyển giao từ bắc vào nam và chỉ trong 2 năm các bệnh viện phía trong đã làm được kỹ thuật. Sau này, các bệnh viện chủ động cho bác sĩ đi học thêm ở các nước khác nên giờ kỹ thuật can thiệp điều trị bệnh lý mạch máu thần kinh đã trở thành thường quy.
Đối với Bệnh viện Bạch Mai, giáo sư Thông vẫn tiếp tục đào tạo đến nay nhân rộng cho nhiều người. Đặc biệt, một số tuyến tỉnh đã làm được. GS Thông cho biết kỹ thuật này rất nhiều bác sĩ trẻ ở Bệnh viện Bạch Mai đã làm được.
Từ năm 2000 và đến nay nó đã giúp hàng nghìn bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân bị tai nạn giao thông, được điều trị không cần phẫu thuật thay vì phải mổ xẻ, nhiều tai biến như trước đây.
Ngoài chuyển giao các kỹ thuật can thiệp mạch não, Bệnh viện Bạch Mai áp dụng kỹ thuật này can thiệp điều trị nhiều bệnh lý khác qua đường mạch máu hoặc trực tiếp qua da như điều trị ung thư gan bằng đốt bằng sóng RF, điều trị ung thư gan bằng nút mạch bằng hạt hóa chất, hạt phóng xạ.
Theo báo vietnamnet.vn